Bệnh viện tâm thần Hòa Khánh-Đà Nẵng

Địa chỉ: 193 Nguyễn Lương Bằng Quận, Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu, Đà Nẵng, Việt Nam
Điện thoại: 0236 3841906

Thông tin chi tiết

1. Tóm tắt lịch sử bệnh viện

 

Bệnh viện Tâm thần thành phố Đà Nẵng trước kia có tên gọi là “Bệnh viện Nhi đồng Hoà Khánh” được xây dựng vào khoảng năm 1966 do người Mỹ quản lý. Song chỉ tồn tại đến 3/1975, trước sự tấn công ào ạt của quân và dân ta tiến vào giải phóng Đà Nẵng. Trước khi rút chạy, trong sự hỗn loạn của nguỵ quân, nguỵ quyền và dân ở vùng này đã cướp bóc, đập phá, đốt cháy bệnh viện trơ trụi chỉ còn lại 4 ngôi nhà hư hỏng tan hoang không cửa ngõ, với tường rào kẽm gai chằng chịt do lực lượng an ninh Hoà Vang tiếp quản làm nơi giam giữ số lưu manh côn đồ và những người sống lang thang vô gia cư được thu gom tới, trong đó có khoảng 50 người bệnh tâm thần. Mặc dù còn bao khó khăn bộn bề sau chiến tranh, thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, UB quân Quản đã chỉ đạo ngành y tế QNĐN cử 1 nhân viên y tế (YT. Văn Viết Hùng) mang thuốc  đến tạm thời chăm sóc cho bệnh nhân tâm thần. Sau đó, do tình hình bệnh nhân đông, Ty Y tế đã bổ sung thêm một nhóm gồm 1 bác sĩ, 4 y tá sơ học và 1 dược tá do YT. Võ Đức Phúc phụ trách phối hợp với công an chăm sóc, điều trị và quản lý số bệnh nhân tâm thần nói trên. Đến năm 1976 số lượng bệnh nhân tăng lên, Ty Y tế tăng cường thêm cán bộ quản lí và một số y sĩ chuyên khoa từ chiến khu xuống, từ miền Bắc tập kết trở về, tổ chức chăm sóc điều trị cho người bệnh được tốt hơn.
Đến 25/10/1976 UBND Tỉnh ra quyết định thành lập Trạm Tâm thần do đ/c Trần Đình Hiến phụ trách chung. Lực lượng công an Hoà Vang bàn giao lại cơ sở cho Trạm Tâm thần quản lí phục vụ khám và điều trị cho bệnh nhân tâm thần.

Xuất phát từ nhu cầu bệnh nhân vào điều trị ngày càng tăng, do đó cần phải được tổ chức một cơ sở điều trị tốt hơn của một chuyên khoa có giường bệnh mới hợp lí, Ty Y tế đã tăng cường thêm bác sĩ và đội ngũ y sĩ chuyên khoa, dược, hành chính, dinh dưỡng… Đến 15/3/1977 UBND Tỉnh đã có quyết định thành lập Bệnh viện Tâm thần đầu tiên ở miền Nam sau ngày thống nhất đất nước với 50 giường bệnh do Bác sĩ Trần Đình Thông (TTƯT) làm Bệnh viện Trưởng với 36 CBCNV.

Năm 1997 thực hiện chủ trương chia tách Tỉnh QNĐN thành 2 đơn vị hành chính: Thành phố Đà Nẵng trực thuộc TW và Tỉnh Quảng Nam, Bệnh viện đã phân công 15 CBCNV vào xây dựng và thành lập Trạm Tâm thần cho Tỉnh Quảng Nam và kể từ đó Bệnh viện được đổi tên thành Bệnh viện Tâm thần Thành phố Đà Nẵng với những chức năng nhiệm vụ chính trị được giao:

  1. Tổ chức thu dung điều trị nội trú các bệnh nhân tâm thần cấp tính
  2. Chỉ đạo tuyến dưới, tổ chức mạng lưới khám và  điều trị quản lí ngoại trú.
  3. Đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ y bác sĩ chuyên khoa cho bệnh viện các tuyến quận huyện, xã phường.
  4. Nghiên cứu khoa học chuyên ngành.
  5. Tuyên truyền giáo dục, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.
Nói sao cho hết những khó khăn trở ngại trong bước đi ban đầu của bệnh viện bởi hậu quả của chiến tranh để lại. Nhưng nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự lãnh đạo sáng suốt của chi bộ Đảng, sự đoàn kết nhất trí năng động sáng tạo của tập thể lãnh đạo bệnh viện (Giám đốc, Công đoàn, Đoàn thanh niên) và tinh thần đoàn kết nhất trí vượt khó vươn lên lao động quên mình hăng hái thi đua của tập thể người lao động góp nhặt từng viên gạch, hòn đá để tạo dựng và sửa chữa lại từng ngôi nhà đã hư hỏng, dột nát để có những buồng bệnh tạm thời, nhà bếp, nhà ăn cho bệnh nhân. Suốt quá trình phấn đấu trong 30 năm qua đã xây dựng cơ sở từ không đến có, từ khó đi lên, mỗi năm một phát triển, không ngừng tiến bộ và trưởng thành về mọi mặt từ một đơn nguyên điều trị với 50 giường bệnh đến nay là 180 giường bệnh có đầy đủ các khoa phòng chức năng, dần dần đi lên hiện đại hóa.
Đến nay, bệnh viện đang được tổ chức theo mô hình bệnh viện chuyên khoa hạng II của Bộ Y tế và ngành tâm thần, gồm Ban giám đốc, 5 phòng (TC-HC, KH-TH, YTĐD, TC-KT và Chỉ đạo Tuyến) và 7 khoa (Khoa Nam, Khoa Nữ, Khoa PHCN, Khoa Dinh dưỡng, Khoa Dược, Khoa Chống nhiễm khuẩn, Khoa Khám bệnh, Khoa Tâm thần Trẻ Em, Khoa Xét nghiệm – Chẩn đoán Hình ảnh). Năm 2011 đã đưa vào sử dụng Khoa Pháp Y – Nghiện chất
Chỉ tiêu giường bệnh là 180 giường nhưng số bệnh nhân nội trú hiện trong tình trạng quá tải từ 250 – 280 bệnh nhân trong đó trên 50% là bệnh nhân các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên. Bệnh viện còn thực hiện giám định pháp y tâm thần cho các cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu cho địa phương và cho Miền Trung – Tây Nguyên và TW. Và là một trong 3 cơ sở bắt buộc chữa bệnh của toàn quốc.

Cơ cấu tổ chức bộ máy của Bệnh viện từ ngày thành lập đến nay:

 

  • Chi bộ Đảng: Từ ngày thành lập mới có 3 đảng viên qua 30 năm có tổng số Đảng viên là 48 đảng viên trong đó phát triển mới 24 đảng viên. Chi bộ hiện còn 32 đảng viên. Chi bộ luôn phấn đấu xây dựng và giữ vững danh hiệu là chi bộ trong sạch vững mạnh liên tục từ năm 1977 – 2006.
  • Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh được thành lập từ năm 1977 đến 1998 thì làm lễ trưởng thành, giải tán (vì không được tuyển dụng biên chế, không còn đoàn viên) chi đoàn luôn là nồng cốt trong xây dựng bệnh viện, luôn là chi đoàn vững mạnh xuất sắc của khối đoàn dân chính đảng.
  • Công đoàn cơ sở: Cũng từ 3 đoàn viên nay đã phát triển trên 150 đoàn viên. Là một công đoàn cơ sở luôn giữ vững phong trào thi đua liên tục đạt là công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc liên tục nhiều năm liền được công đoàn ngành y tế Việt Nam, Liên đoàn lao động thành phố và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tặng nhiều bằng khen và cờ luân lưu xuất sắc hàng năm và 5 năm .

2. Thành tích của bệnh viện trong 30 năm qua:

 

Thực hiện hoàn thành thắng lợi xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước :

 

a. Công tác điều trị nội trú:
+ Tổng số lần bệnh nhân điều trị nội trú: 31.979 / 27.814 = 114,97%
+ Tổng số lần bệnh nhân khỏi ra viện: 29.916 / 27.814 = 107,56%
+ Tổng số ngày điều trị: 1.141.643 ngày
+ Công suất sử dụng giường bệnh bình quân đạt từ 93,7% – 148,3%
+ Hạ thấp tỷ lệ tử vong dưới 2‰: 53 ca với tỷ lệ tương đương 1,7‰
+ Nạn nhân được cấp cứu và cứu sống kịp thời: 6172/6188 ca (tai nạn giao thông, tai nạn lao động, các ngộ độc và bệnh tật khác)

b. Công tác điều trị ngoại trú:
 

+ Tổng số bệnh nhân điều trị ngoại trú: 88.576 lượt người.
+ Trong đó hồ sơ bệnh án: 6125 bệnh nhân (TTPL: 4062; ĐK: 2053)
(Riêng TP Đà Nẵng hiện có: 2637 bệnh nhân trong đó TTPL: 1588 bệnh nhân; ĐK: 1049)
+ Tổng số lần khám bệnh: 1461.297 lần (Trong đó TP Đà Nẵng: 876.797 lần)
+ Triển khai CTQG – MTCSSKTTCĐ: Đạt 51/ 56 xã phường = 91%
* Quản lý bệnh nhân TTPL theo CTQG: 1413 bệnh nhân.
* Quản lý bệnh nhân ĐK lồng ghép vào CTQG: 822 bệnh nhân.
Đạt hiệu quả cao: có 70 – 85% bệnh nhân ổn định tái hoà nhập xã hội. Trong đó có từ 30 – 40 % trở lại với lao động học tập.
Công tác tuyên truyền giáo dục phòng chống bệnh tâm thần tập huấn cho nhân viên y tế xã phường tuyến cộng đồng là 420 người; huấn luyện tuyên truyền giáo dục cho người nhà bệnh nhân tham gia vào chương trình PHCN/TLXH theo chương trình quốc gia cho 1.720 gia đình; đưa tin bài tuyên truyền trên thông tin đại chúng báo chí và đài PTTH về bảo vệ SKTT/CĐ sâu rộng trong nhân dân.
– Công tác nghiên cứu khoa học: Trong 30 năm bệnh viện đã thực hiện được 108 đề tài (Trong đó có 25 đề tài cấp ngành y tế, Tỉnh, Viện SKTT quản lý, 83 đề tài cấp cơ sở bệnh viện quản lý)
– Công tác giám định pháp y tâm thần: Kể từ năm 1989 thành lập tổ GĐPYTT đã thực hiện được 707 ca cho các cơ quan tiến hành tố tụng Tỉnh, Thành phố, Quân khu V, Toà án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tại Đà Nẵng và các tỉnh Miền Trung – Tây Nguyên.
– Công tác đào tạo cán bộ: có 46 bác sĩ chuyên khoa trong đó có 21 là bác sĩ chuyên khoa cấp I, 01 thạc sĩ, 04 bác sĩ được đi du học nước ngoài Pháp và Mỹ. Đào tạo từ y sĩ lên bác sĩ là 14; 47 y tá trung học chuyên khoa tâm thần; 20 y bác sĩ cho tuyến quận huyện xã phường; 04 cử nhân kinh tế; 03 trung cấp kinh tế tài chính; 04 hộ lý lên y tá; chuyển đổi 45 y sĩ sang điều dưỡng; 03 cử nhân điều dưỡng; 23 y tá sơ học lên y tá trung học; 04 cán bộ quản lý; 03 cao cấp chính trị; 04 trung cấp chính trị; 04 đại học ngoại ngữ và toàn bộ hệ điều dưỡng đều có trình độ ngoại ngữ A trở lên.
Ngoài ra hằng năm cử một số cán bộ quản lý và chuyên môn đi đào tạo bồi dưỡng ngắn ngày để nâng cao trình độ chuyên môn quản lý nhà nước, chính trị, ngoại ngữ và tin học.
– Công tác hậu cần (dược – tài vụ – quản trị hành chính): đã hoạt động tốt trong 30 năm qua về quản lý kinh tế chặt chẽ có hiệu quả cao phục vụ đắc lực cho sự hoạt động của bệnh viện; cung cấp thuốc men; quản lý và sử dụng tốt, rẻ tiền, có hiệu quả và tiết kiệm triệt để. Báo cáo thanh quyết toán kịp thời, đúng chế độ nguyên tắc, ít có sai sót, đảm bảo nuôi dưỡng, phục vụ bệnh nhân tốt trong điều kiện kinh phí hàng năm được cấp còn hạn hẹp, không có thu.
Công tác xây dựng cơ bản sửa chữa và nâng cấp bệnh viện ngày một khang trang, to đẹp hơn đang từng bước hoàn thiện
– Công tác hợp tác đối ngoại quốc tế:  trong 30 năm qua, bệnh viện đã tích cực nhờ sự lãnh đạo của Sở Y tế, Sở Ngoại vụ và UBND Quảng Nam Đà Nẵng trước đây và thành phố hiện nay đã kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức chính phủ, phi chính phủ và của các tổ chức cá nhân (CIDSE, NGO, Hội chữ thập đỏ quốc tế, Tổ chức Mental của Đức, gia đình của TS. Marie Feustern và những người từ thiện tỉnh Ken, nước Anh,…) đã giúp đỡ cho bệnh viện chăn màn, quần áo cho bệnh nhân, một số phương tiện nghe nhìn âm nhạc, trang thiết bị y tế, điện não, máy giặt,… Đặc biệt Tổ chức Đông Tây hội ngộ đã giúp xây dựng Khoa Tâm thần Trẻ em với 30 giường bệnh… Các trường đại học Pháp và Mỹ đã giúp đỡ hợp tác đào tạo cho cán bộ chuyên môn về tâm lý học và tâm thần học được ứng dụng trong bệnh viện có kết quả tốt.

3. Các hoạt động khác:

 

  • Công tác thi đua:  Trong 30 năm bệnh viện luôn chú trọng lấy phong trào thi đua lao động yêu nước làm đòn bẩy thúc đẩy khắc phục khó khăn vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao; không ngừng xây dựng đơn vị vững mạnh về nhiều mặt (điều trị và các phong trào thi đua khác một cách toàn diện); có phát động sơ kết và tổng kết khen thưởng động viên kịp thời về tinh thần và vật chất, đặc biệt về phong trào xây dựng tổ đội lao động giỏi và xuất sắc. Kết quả bình quân thi đua hằng năm đạt 100% tổ lao động giỏi và tổ lao động xuất sắc, nhiều lao động giỏi và nhiều chiến sĩ thi đua (9-16 CSTĐ cấp cơ sở/năm). Tiêu biểu trong đó có 01 CSTĐ toàn quốc và 03 CSTĐ cấp thành phố, 03 thầy thuốc ưu tú. Phong trào thi đua xây dựng bệnh viện xuất sắc toàn diện, bệnh viện đã hưởng ứng và liên tục giữ vững 6 năm liền được Bộ Y tế và Công đoàn ngành Y tế Việt Nam công nhận tặng cờ và tặng bằng khen (2001 – 2006). Liên tục trong 30 năm bệnh viện được Bộ Y tế UBND tỉnh, thành phố tặng bằng khen và cờ thi đua xuất sắc. Công đoàn ngành y tế Việt Nam, Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tằng bằng khen và cờ thi đua công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc 5 năm liền.
  • Công tác an ninh quốc phòng: Trong 30 năm qua, bệnh viện đã kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ chính trị phục vụ điều trị bệnh nhân với chăm lo xây dựng công tác an ninh quốc phòng, xây dựng LLTV đảm bảo an toàn cho bệnh viện và trong khu vực luôn dẫn đầu trong khối cơ quan xí nghiệp đã được Bộ chỉ huy quân sự thành phố tặng bằng khen, UBND quận Liên Chiểu tặng giấy khen về thành tích xây dựng LLTV và tham gia hoạt động các mặt về an ninh quốc phòng.
  • Công tác chăm lo đời sống CBNV: Trong điều kiện Bệnh viện Tâm thần thành phố Đà Nẵng không thu viện phí và cũng không có nguồn viện trợ nào lớn, song dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng, ban lãnh đạo bệnh viện, BCH công đoàn đã phối kết hợp chặt chẽ tìm mọi biện pháp để nâng cao đời sống cho CBCNV như thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho người lao động kịp thời (lương, các phụ cấp theo lương, chế độc độc hại, nâng lương hàng năm, BHXH, nghỉ dưỡng, bồi dưỡng tài chỗ, đi du lịch trong và ngoài nước,…). Tích cực làm ra quỹ phúc lợi chính đáng như chăn nuôi heo, dịch vụ khám chữa bệnh,… hàng tháng đã tăng thêm ngoài lương cho cán bộ từ 30.000-70.000 đồng/người ngoài lương. Đặc biệt đã tranh thủ UBND thành phố Đà Nẵng giải quyết bán nhà, đất đai cho 37 hộ gia đình là CBNV bệnh viện. Thường xuyên duy trì các hoạt động văn hoá đời sống, hội diễn văn nghệ, đọc sách báo, nghe thời sự,… được duy trì đều đặn.
  • Công tác xã hội: Bên cạnh công tác phục vụ bệnh nhân, chống xuống cấp bệnh viện luôn chú tâm không quên làm công tác xã hội, vận động CBNV tham gia tích cực xây dựng nếp sống văn hoá văn minh tại địa phương và đóng góp ủng hộ cho nhân dân: quỹ xoá đói giảm nghèo, quỹ chất độc da cam, ủng hộ nhân dân bị thiên tai thảm hoạ,… Tổng cộng lên đến hàng trăm triệu đồng trong điều kiện đời sống của CBNV cũng còn nhiều khó khăn đã san bớt sẻ chia.
Tổng hợp các phần thưởng của bệnh viện trong 30 năm:
Ty Y tế và Sở Y tế QN-ĐN, SYT thành phố tặng các danh hiệu đơn vị tiên tiến và cờ thi đua đơn vị khá nhất (các năm 1977, 1985, 1986, liên tục từ 1988-1996 và từ 1998-2006)
Bộ Y tế đã tặng 12 bằng khen.
UBND tỉnh QN-ĐN và thành phố Đà Nẵng đã tặng 08 bằng khen và cờ thi đua xuất sắc.
Công đoàn các cấp (y tế, liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, tổng liên đoàn) tặng 20 bằng khen và cờ thi đua luân lưu xuất sắc.
Và các bộ ngành khác (TB-XH; quân đội, công an).
Nhà nước tặng thưởng:
  1. Bằng khen của Thủ tưởng Chính phủ.
  2. Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động (hạng Ba, Nhì, Nhất) và Huân chương Độc lập hạng Ba vào các năm 1987, 1996, 2000, 2006.
  3. Chi bộ bệnh viện luôn đạt danh hiệu chi bộ trong sạch vững mạnh từ khi thành lập đến nay.
  4. Công đoàn cơ sở giữ vững danh hiệu “công đoàn cơ vững mạnh” liên tục 20 năm qua.
  5. Đoàn TNCS/HCM từ khi thành lập cho đến năm 1999 giải thể đều đạt chi đoàn vững mạnh.
Tóm lại, trong 30 năm xây dựng và phát triển bệnh viện với nhiều khó khăn qua các từng thời kỳ của đất nước, CBNV bệnh viện đã kiên cường bám trụ và chủ động từng bước khắc phục khó khăn xây dựng cơ sở từ không đến có, từ trong đổ nát đi lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao đưa ánh sáng khoa học về Y học tâm thần theo đường lối của Đảng để chăm sóc SKTT và tổ chức điều trị bệnh tâm thần, loại bệnh mà nhân dân còn nhiều mặc cảm, đến nay đã dành được lòng tin và sự yêu mến của nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, với nhu cầu phòng chữa bệnh tâm thần của cán bộ và nhân dân ngày càng tăng, bệnh viện vẫn còn một số tồn tại cần phải khắc phục, đó là:
– Cơ sở vật chất, nhà cửa buồng bệnh tuy có được sửa chữa nâng cấp hàng năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện mới thực hiện được 1/3 của tổng dự án (về hạ tầng cơ sở hệ thống điện nước xử lý nước thải, nhà hành chính, khoa khám bệnh, khoa dinh dưỡng chưa được xây dựng.)
– Trang thiết bị y tế về cận lâm sàng tuy đã từng bước được trang bị hiện đại hoá nhưng vẫn còn hạn chế, thiếu nhân lực sử dụng vì thiếu kinh phí đào tạo.
– Kinh phí được cấp hàng năm còn thấp so với nhu cầu thực tế của bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải phần lớn chỉ đủ chi phí cho người lao động.
– Thu nhập đời sống của CCVC tuy có cải thiện so với trước song so với mặt bằng xã hội vẫn còn thấp, người bệnh tâm thần đa số nằm trong diện đói nghèo.
– Ngành chuyên khoa tâm thần trong 5 năm gần đây có những bước phát triển cải thiện tốt nhưng so với yêu cầu cũng đang còn hạn chế và khiêm tốn, được sự quan tâm của lãnh đạo, xã hội cũng còn một chừng mực nhất định do đó sự thu hút cán bộ chuyên môn có trình độ cao rất khó khăn và đã có một số anh chị em bỏ việc hoặc xin đi nơi khác).
Hy vọng những năm tới ngành chuyên khoa tâm thần nói chung và Bệnh viện Tâm thần thành phố Đà Nẵng chúng tôi nói riêng được quan tâm và phát triển tốt hơn trong chương trình y tế của quốc gia như nhà tâm thần học Lilienstein đã từng đánh giá xác đáng rằng: “Thái độ của một xã hội đối với các bệnh nhân tâm thần là thước đo trình độ văn minh của xã hội ấy”.
ĐỊNH HƯỚNG VÀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN BỆNH VIỆN TÂM THẦN TP.ĐN TỪ NAY ĐẾN NĂM 2010 VÀ 2020
Dưới ánh sáng của Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, đất nước ta đang chuyển mình theo đường lối CNH-HĐH đất nước và hội nhập toàn cầu, quan hệ KT-XH của chúng ta phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Sự phân hoá giàu nghèo, sự căng thẳng trong đời sống xã hội ngày càng tăng trong lúc hậu quả chiến tranh vẫn còn tác động sâu sắc, mô hình bệnh tật chịu ảnh hưởng của môi trường thiên nhiên, một số vùng dân cư đang đô thị hoá do công nghiệp gia tăng và văn hoá xã hội tiêu cực chắc chắn sẽ làm cho bệnh tật phát triển, nhất là đối với bệnh nhân thần kinh ngày một gia tăng. Do vậy công tác phòng chống bảo vệ SKTT toàn diện trên 3 mặt “thể chất – tâm thần – xã hội” cũng phải được chú trọng hơn. Để thực hiện thắng lợi trong bước phát triển của ngành chuyên khoa tâm thần đáp ứng với tình hình chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trong tỉnh từ nay cho đến 2010 và 2020 theo đường lối Đại hội đảng toàn quốc lần thứ X, Bệnh viện chúng ta cần phải:
– Căn cứ vào phương hướng công tác của ngành y tế thành phố Đà Nẵng và kết hợp chặt chẽ sự chỉ đạo chương trình hoạt động của Viện SKTT Việt Nam và ngành TTTW. Đồng thời quán triệt sâu sắc các nghị định của Chính phủ và chỉ thị của Bộ Y tế từ nay đến năm 2010 và 2020 về củng cố bệnh viện và nâng cao chất lượng điều trị.
– Căn cứ vào CTQG về CSSKTT của Bộ Y tế và Chính phủ vào năm 1997 bắt đầu được thực hiện mở ra một chương trình mới cho ngành tâm thần học Việt Nam nói chung và Bệnh viện Tâm thần thành phố Đà Nẵng nói riêng chuẩn bị tinh thần, vật tài vật lực và trí tuệ để thực hiện thắng lợi những định hướng sau:
A/ Mục tiêu tổng quát:Theo chương trình chiến lược bảo vệ SKTT/CĐ của ngành TTTW

– Nâng cao sức khoẻ tâm thần của nhân dân trong tỉnh.
– Giảm tỷ lệ mắc bệnh tâm thần nguyên nhân đã rõ ràng.
– Khống chế tình hình bệnh tật về tâm thần của một nước đang phát triển.
– Quản lý điều trị và PHCN các bệnh tâm thần mãn tính dựa vào cộng đồng.

B/ Mục tiêu cụ thể (Tuỳ theo tình hình thay đổi của tỉnh nhà):
 

1. Xây dựng và phát triển bệnh viện nội trú:
– Nâng cấp sửa chữa và xây dựng cơ bản và hoàn thiện bệnh viện theo mô hình dự án quy hoạch kiến trúc đúng quy cách của một bệnh viện chuyên khoa tâm thần đã được Bộ Y tế và UBND thành phố phê chuẩn.
– Xây dựng cơ bản khu điều trị bệnh nhân tâm thần bắt buộc 30 giường theo dự án của bệnh viện và ngành TTTW đã trình Bộ Y tế cho khu vực Miền Trung và xây dựng khoa tâm thần người già 20 giường (đã có dự án của Bộ Y tế và UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt)
– Mua sắm trang thiết bị dụng cụ y tế hiện đại, trang bị các phương tiện để điều trị PHCN dạy nghề, hướng nghiệp,…
– Củng cố bệnh viện về tổ chức nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc bệnh nhân theo hệ thống điều dưỡng toàn năng như chỉ thị 04 và 11 của Bộ Y tế đã quy định.
– Tăng cường công tác đối ngoại để bệnh viện tăng thêm nguồn kinh phí phục vụ người bệnh.
– Thực hiện tốt đóng góp của sức dân trong việc chấn chỉnh thu một phần viện phí theo nghị định 95/CP của Chính phủ và nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
– Phối hợp chặt chẽ ngành LĐ-TB-XH, ngành tư pháp, an ninh, giáo dục và xã hội để giải quyết tốt đối với bệnh nhân tâm thần mãn tính và các đối tượng bệnh nhân tâm thần điều trị bắt buộc và bệnh nhân vô gia cư lang thang trên đường phố.
2. Xây dựng mạng lưới quản lý điều trị ngoại trú:
– Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức vệ sinh phòng chống bệnh tâm thần và CSSKTT (tâm thần học đường cho trẻ em và thanh thiếu niên)
– Củng cố mạng lưới cán bộ chuyên khoa cho công tác CSSKTT và quản lý điều trị bệnh nhân ngoại trú lồng ghép trong chương trình CSSKCĐ ở các trung tâm tuyến quận huyện, bệnh viện khu vực thành phố xuống xã phường.
– Tiếp tục phát triển chương trình PHCN/TLXH cho bệnh nhân tâm thần phân liệt và động kinh dựa vào cộng đồng.
– Tham gia phối hợp với các ngành TB-XH trong việc thực hiện chương trình 05-06 (Phòng chống các TNXH của quốc gia) nhất là ma tuý và nghiện rượu.
3. Công tác đào tạo:
– Hệ điều dưỡng cần tăng cường đào tạo cử nhân, chuyên khoa hoá và cử nhân kỹ thuật.
– Đặt quan hệ với các trường ĐHY Huế, Hà Nội đào tạo định hướng BS/CK cấp I, II tại chỗ, cao học, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước; đào tạo BS tâm lý học và các chuyên khoa lẻ khác như tk, X-quang, TMH, RHM, Mắt.
4. Nghiên cứu khoa học:
– Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học về chuyên ngành tâm thần. Khống chế mô hình bệnh tật về tâm thần của một tỉnh thành đi vào công nghiệp hoá. Tập trung nghiên cứu các đề tài có sự chỉ đạo của ngành TTTW.
– Điều tra cơ bản dịch tễ học bệnh tâm thần trong nhân dân theo tiêu chuẩn phân loại quốc tế ICD 10 của WHO.
– Nghiên cứu trầm cảm và tự sát.
– Nghiên cứu lạm dụng rượu và nghiện rượu, đề xuất cách giải quyết với nhà nước nghiên cứu và ứng dụng điều trị chống tái nghiện ma tuý bằng phương pháp kết hợp Naltrexone với tâm lý liệu pháp của chương trình SMART-VN và điều trị lâu dài dựa vào cộng đồng.
– Nghiên cứu ứng dụng phương pháp điều trị thuốc ATK mới chống loạn thần, CTC phương pháp vật lý trị liệu và tâm lý liệu pháp.
– Nghiên cứu thí điểm tâm thần học đường nhằm CSSKTT trẻ em và thanh thiếu niên.
– Nghiên cứu tâm lý lái xe, tâm lý công nhân trong các khu công nghiệp sản xuất có tiếng ồn và các chất độc hại.
– Nghiên cứu các rối loạn stress.
5. Kiến nghị:
– Bệnh TTPL khá phổ biến chiếm tỷ lệ từ 0,5-1% dân số, ĐK 0,45-1% dân số và tỷ lệ các bệnh tâm thần chung trong thành phố là 12,07% dân số. Do vậy đề nghị UBND thành phố và các cấp chính quyền, các ngành và các tổ chức đoàn thể cùng ngành y tế cần chú ý quan tâm hơn và cùng có trách nhiệm với chuyên khoa tâm thần để giải quyết tốt cho người bệnh tâm thần.
– Đề nghị Chính phủ đưa một số bệnh tâm thần nặng phổ biến (động kinh, trầm cảm, RLCX, CPTTT) vào chương trình quốc gia BVSKTT/CĐ và chương trình CSSKTT học đường. Đối với các bệnh tâm thần nặng mãn tính (RLCX nặng, CPTTT nặng, LTT chấn thương sọ não được hưởng chế độ chính sách xã hội như bệnh TTPL và ĐK.
– Đề nghị Sở Y tế, UBND thành phố, Bộ Tư pháp và Bộ Công an giải quyết đối với đối tượng bệnh nhân điều trị bắt buộc (cần thiết phải xây dựng cơ sở điều trị bắt buộc 01 khoa 30 giường riêng biệt trong Bệnh viện Tâm thần)
– Đề nghị Chính phủ và Nhà nước có chính sách ưu đãi thoả đáng cho ngành tâm thần để thu hút đội ngũ cán bộ chuyên khoa tâm thần đủ để phục vụ CSSKTT cho nhân dân.

Đối tác

Chân thành cảm ơn các đối tác đã hỗ trợ chúng tôi hoàn thành được thông tin toàn bộ bệnh viện ở Việt Nam

Bệnh Viện Tù Dũ - TPHCM
Bệnh viện Nhi Đồng 1
Bệnh viện Chợ Rẫy
Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Thống Nhất
Bệnh viện Hoàn Mỹ